Hành vi cố ý xâm phạm thân thể, gây tổn hại cho sức khoẻ người khác dưới dạng thương tích cụ thể được gọi là hành vi cố ý gây thương tích. Mức tỷ lệ thương tích nhỏ nhất được quy định để định mức khung hình phạt về Tội có ý gây thương tích trong Bộ luật hình sự là 11%. Đây là hành vi được xem là nguy hiểm cho xã hội. Đồng thời xâm phạm đến quyền được tôn trọng và bảo vệ sức khoẻ của người khác. Vậy đánh người gây thương tích dưới 11% có bị phạt tù? Đánh người gây thương tích dưới 11% phải chịu trách nhiệm bồi thường ra sao?

Xin mời các bạn độc giả cùng tìm hiểu qua bài viết của Luật sư DEMO để hiểu và nắm rõ được những quy định về ” Đánh người gây thương tích dưới 11% có bị phạt tù? ” có thể giúp các bạn độc giả hiểu sâu hơn về pháp luật.

Căn cứ pháp lý

  • Bộ luật Tố tụng Hình sự 2015
  • Thông tư 22/2019/TT-BYT
  • Bộ luật Hình sự 2015 sửa đổi, bổ sung 2017

Quy định pháp luật liên quan tới đánh người gây thương tích

1/ Khái niệm đánh người gây thương tích

Đánh người gây thương tích là hành vi cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại đến sức khỏe người khác. Tùy vào mức độ gây thương tích khác nhau thì người thực hiện hành vi sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự ở mức độ khác nhau.

Về cơ bản, theo quy định của Bộ luật Hình sự 2015 (sửa đổi, bổ sung 2017), tỷ lệ tổn thương cơ thể của người bị hại từ 11% trở lên thì người có hành vi gây thương tích sẽ bị khởi tố hình sự.

Tuy nhiên, có một số trường hợp, dù tỷ lệ tổn thương cơ thể dưới 11% vẫn sẽ bị khởi tố hình sự vì tính chất nguy hiểm và ảnh hưởng tới xã hội của hành vi.

2/ Xác định tỷ lệ tổn thương đối với cơ thể

Tỷ lệ tổn thương cơ thể được xác định trên cơ sở Điều 205, 206 của Bộ luật Tố tụng Hình sự 2015 hay cụ thể hơn là theo phương pháp xác định tổn thương cơ thể được quy định tại Điều 4 Thông tư 22/2019/TT-BYT.

Cách xác định tỷ lệ tổn thương cơ thể dựa trên phương pháp cộng các phần tỷ lệ % tổn thương cơ thể khác nhau được quy định tại bảng tỷ lệ phần trăm tổn thương cơ thể hay tổn hại sức khỏe ban hành kèm theo Thông tư 22/2019/TT-BYT.

Lưu ý: thương tích và thương tật trong vụ án hình sự là hai khái niệm khác nhau:

  • Thương tích: tình trạng vết thương trên cơ thể do bị tổn thương vì tai nạn, bom đạn hay do các hành vi phạm tội gây nên.
  • Thương tật: những dị tật đã được cơ quan có thẩm quyền xác định sau khi vết thương đã được điều trị.

Dù hai khái niệm khác nhau nhưng cách xác định tỷ lệ tổn thương cơ thể đều dựa vào Thông tư 22/2019/TT-BYT để tiến hành giám định.

3/ Mức xử phạt đối với hành vi này

Hành vi đánh người gây thương tích là hành vi phạm tội được quy định tại Điều 134 Bộ luật Hình sự 2015 sửa đổi bổ sung 2017, bất kì chủ thể nào thực hiện hành vi này đều sẽ phải chịu mức xử phạt khác nhau tùy vào tỷ lệ tổn thương cơ thể mà người bị đánh phải chịu:

  • Tỷ lệ từ 11% – 30% hoặc dưới 11% nhưng thuộc các trường hợp đặc biệt: bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm;
  • Tỷ lệ từ 31% – 60%: phạt tù từ 02 năm đến 06 năm;
  • Tỷ lệ từ 61% trở lên: tùy vào mức độ NGUY HIỂM và tỷ lệ thương tổn cơ thể trên thực tế để áp dụng mức xử phạt tương ứng: từ 07 năm – 20 năm hoặc tù chung thân.

Đánh người gây thương tích dưới 11% có bị phạt tù

Theo Điều 134 Bộ luật Hình sự 2015 sửa đổi, bổ sung 2017, các trường hợp đánh người gây thương tích dưới 11% vẫn bị khởi tố hình sự:

  • Dùng vũ khí, vật liệu nổ, hung khí nguy hiểm hoặc thủ đoạn có khả năng gây nguy hại cho nhiều người;
  • Dùng a-xít nguy hiểm hoặc hóa chất nguy hiểm;
  • Đối với người dưới 16 tuổi, phụ nữ mà biết là có thai, người già yếu, ốm đau hoặc người khác không có khả năng tự vệ;
  • Đối với ông, bà, cha, mẹ, thầy giáo, cô giáo của mình, người nuôi dưỡng, chữa bệnh cho mình;
  • Có tổ chức;
  • Lợi dụng chức vụ, quyền hạn;
  • Trong thời gian đang bị giữ, tạm giữ, tạm giam, đang chấp hành án phạt tù, đang chấp hành biện pháp tư pháp giáo dục tại trường giáo dưỡng hoặc đang chấp hành biện pháp xử lý vi phạm hành chính đưa vào cơ sở giáo dục bắt buộc, đưa vào trường giáo dưỡng hoặc đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc;
  • Thuê gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác hoặc gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác do được thuê;
  • Có tính chất côn đồ;
  • Đối với người đang thi hành công vụ hoặc vì lý do công vụ của nạn nhân.

Các hành vi này này được xác định căn cứ trên mức độ nguy hiểm của hành vi, gây ra những hậu quả lớn cũng như ảnh hưởng tiêu cực đến người bị hại và xã hội.

Thủ tục khởi tố hình sự với hành vi đánh người gây thương tích dưới 11%

Căn cứ theo quy định tại Điều 143 Bộ luật Tố tụng Hình sự 2015 sửa đổi bổ sung 2017, căn cứ để khởi tố hình sự đối với hành vi cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại đến “sức khỏe” người khác:

  • Tố giác của cá nhân;
  • Tin báo của cơ quan, tổ chức, cá nhân;
  • Tin báo trên phương tiện thông tin đại chúng;
  • Kiến nghị khởi tố của cơ quan nhà nước;
  • Cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng trực tiếp phát hiện dấu hiệu tội phạm;
  • Người phạm tội tự thú.

Như vậy, khi có tố giác về tội phạm từ cá nhân, tin báo trên phương tiện thông tin đại chúng hoặc kiến nghị khởi tố của cơ quan Nhà nước thẩm quyền về hành vi đánh người gây thương tích thì cơ quan, tổ chức có trách nhiệm tiếp nhận tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố sẽ phải tiến hành tiếp nhận tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố.

Trong thời hạn 20 ngày kể từ ngày nhận được tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố, Cơ quan điều tra, cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra phải kiểm tra, xác minh.

Nếu hành vi đánh người gây thương tích được giám định tỷ lệ tổn thương cơ thể dưới 11% và thuộc các trường hợp được quy định tại Điều 134 Bộ luật Hình sự 2015 (sửa đổi bổ sung 2017) thì Cơ quan có thẩm quyền sẽ ra quyết định khởi tố vụ án hình sự đối với hành vi này.

Đánh người gây thương tích phải bồi thường ra sao?

Căn cứ Điều 590 Bộ luật Dân sự 2015 quy định về thiệt hại do sức khỏe bị xâm phạm như sau:

Thiệt hại do sức khỏe bị xâm phạm

1. Thiệt hại do sức khỏe bị xâm phạm bao gồm:

a) Chi phí hợp lý cho việc cứu chữa, bồi dưỡng, phục hồi sức khỏe và chức năng bị mất, bị giảm sút của người bị thiệt hại;

b) Thu nhập thực tế bị mất hoặc bị giảm sút của người bị thiệt hại; nếu thu nhập thực tế của người bị thiệt hại không ổn định và không thể xác định được thì áp dụng mức thu nhập trung bình của lao động cùng loại;

c) Chi phí hợp lý và phần thu nhập thực tế bị mất của người chăm sóc người bị thiệt hại trong thời gian điều trị; nếu người bị thiệt hại mất khả năng lao động và cần phải có người thường xuyên chăm sóc thì thiệt hại bao gồm cả chi phí hợp lý cho việc chăm sóc người bị thiệt hại;

d) Thiệt hại khác do luật quy định.

2. Người chịu trách nhiệm bồi thường trong trường hợp sức khỏe của người khác bị xâm phạm phải bồi thường thiệt hại theo quy định tại khoản 1 Điều này và một khoản tiền khác để bù đắp tổn thất về tinh thần mà người đó gánh chịu. Mức bồi thường bù đắp tổn thất về tinh thần do các bên thỏa thuận; nếu không thỏa thuận được thì mức tối đa cho một người có sức khỏe bị xâm phạm không quá năm mươi lần mức lương cơ sở do Nhà nước quy định.

Như vậy, theo quy định đánh người gây thương tích phải bồi thường khi xâm phạm sức khỏe người khác.

By admin